Phàn Ô Kỳ

Phàn Ô Kỳ
樊於期
Binh nghiệp
Chủ quânTần Trang Tương Vương, Trường An quân
Phục vụTần
ThuộcQuân đội nước Tần
Thông tin cá nhân
Sinh
Nơi sinh
Tần
Mất
Ngày mất
227 TCN
Nơi mất
Yên
Nguyên nhân mất
Tự sát
Giới tínhnam
Quốc giaTần
Quốc tịchTần
Thời kỳChiến Quốc
[sửa trên Wikidata]x • t • s

Phàn Ô Kỳ[a] (tiếng Trung: 樊於期; bính âm: Fán Wūjī, ? – 227 TCN) là tướng lĩnh nước Tần thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Cuộc đời

Phàn Ô Kỳ ban đầu là tướng lĩnh của nước Tần. Khoảng sau năm 232 TCN[b], không rõ vì lý do gì mà Phàn Ô Kỳ bỏ chạy khỏi Tần, cả gia đình tông tộc của họ Phàn đều bị tru di. Tần vương Chính còn treo thưởng nghìn cân vàng, vạn hộ ấp phong cho ai lấy được đầu của Phàn Ô Kỳ.[c] Phàn Ô Kỳ trốn đến nước Yên, nương nhờ Thái tử Đan. Thái phó Cúc Vũ khuyên Thái tử Đan không nên tiếp nhận, mà để Phàn Ô Kỳ sang Hung Nô[d], nhưng Thái tử từ chối[e].[2]

Năm 228 TCN, Tần đã diệt Triệu, Thái tử Đan lo sợ, muốn dùng Kinh Kha hành thích Tần vương Chính.[3] Kinh Kha xin dùng đầu của Phàn Ô Kỳ cùng đất Đốc Cương làm lễ vật nhằm tiếp cận Tần vương. Thái tử Đan tìm cớ từ chối, buộc Kinh Kha phải tự đi thuyết phục.[f] Phàn Ô Kỳ biết chuyện bèn tự sát.[2]

Tranh luận

Nhà sử học người Mỹ gốc Hoa Dương Khoan trong tác phẩm Chiến quốc sử (2003) cho rằng Phàn Ô Kỳ chính là tướng quân Hoàn Nghĩ, do thua trận trước Lý Mục năm 233 TCN mà bỏ trốn, nhưng không có bằng chứng cụ thể.

Trong văn hóa

Tiểu thuyết

Trong tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc chí, Phàn Ô Kỳ xuất hiện tại hồi 103. Lã Bất Vi muốn diệt trừ Công tử Thành Kiệu, bèn lấy Thành Kiệu làm thống soái, Phàn Ô Kỳ làm phó, dẫn quân chi viện Mông Ngao, Trương Đường đánh Triệu. Ở Đồn Lưu, Phàn Ô Kỳ đem thân thế của Tần vương Chính nói cho Thành Kiệu, cùng nhau tạo phản. Tần vương phái Vương Tiễn, Trương Đường, Hoàn Nghĩ, Vương Bí dẫn 10 vạn quân đến đàn áp. Phàn Ô Kỳ dũng mãnh chống cự, khiến quân Tần không làm gì được. Vương Tiễn liền phái bạn cũ Dương Đoan Hòa đến chiêu hàng.[4] Thừa dịp Phàn Ô Kỳ đang tác chiến ngoài thành, Thành Kiệu ở trên tường thành xem xét, Dương Đoan Hòa khống chế Thành Kiệu, mở cửa thành đón quân Tần, Phàn Ô Kỳ nhờ lệnh bắt sống của Tần vương nên kịp thời phá vây bỏ chạy. Thành Kiệu thắt cổ tự vẫn rồi bị bêu đầu. Nước Tần treo thưởng cho cái đầu Phàn Ô Kỳ năm tòa thành trì.[5]

Phàn Ô Kỳ chạy sang nước Yên, trốn vào trong núi, nghe nói Thái tử Đan hiếu khách liền xin theo, được Thái tử tôn làm Thượng tân, xây cho một tòa nhà ở phía đông sông Dịch để ở, gọi là Phàn Quán. Thái phó Cúc Vũ khuyên nhưng không được. Thái tử lại mời chào Kinh Kha, cũng tôn làm Thượng khanh, xây một tòa nhà mới ở bên phải Phàn Quán để ở, gọi là Kinh Quán.[6] Về sau, Thái tử Đan sai Kinh Kha hành thích Tần vương Chính, Kinh Kha muốn dùng đầu của Phàn Ô Kỳ, cơ bản giống như ghi chép trong sách sử.[7]

Phim ảnh

Trong phim truyền hình Kinh Kha truyền kỳ (zh), Phàn Ô Kỳ vốn là người Tần nhưng hận quân Tần tàn bạo, trốn sang nước Triệu, nhận Lý Mục làm cha nuôi.

Tham khảo

Ghi chú

  1. ^ Chữ 於 có hai phiên âm Ô () và Ư () nên một số bản dịch cũ thường dịch nhầm thành Phàn Ư Kỳ. Mặt khác, do chữ 於 còn được giản thể thành chữ 于 (Vu, Ư) nên cũng có chỗ dịch nhầm thành Phàn Vu Kỳ.
  2. ^ Theo Tư trị thông giám, Thái tử Đan ban đầu làm con tin ở Tần, trốn về nước năm 232 TCN, nên thời gian Phàn Ô Kỳ trốn sang Yên phải sau năm đó.[1]
  3. ^ Sử ký (bản dịch Phan Ngọc): Nước Tần đối đãi với tướng quân có thể quá thâm độc. Cha mẹ họ hàng đều bị giét, nay nghe nói họ mua cái đầu của tướng quân nghìn cân vàng, ấp vạn nhà, tướng quân nghĩ sao?
  4. ^ Sử ký (bản dịch Phan Ngọc): Không được! Nước Tần đã mạnh lại căm giận nước Yên, như thế cũng đủ đáng sợ lắm rồi. Huống chi lại nó lại nghe Phàn tướng quân ở đây. Như thế tức là "ném thịt ra giữa lối đi của hùm đói", cái tại vạ ấy không thể cứu được đâu! Tuy có Quản Trọng, Án Anh cũng không thể bày mưu cho ta. Thái tử phải mau cho Phàn tướng quân vào đất Hung Nô để khỏi tai tiếng...
  5. ^ Sử ký (bản dịch Phan Ngọc): ... Phàn tướng quân là người cùng khốn, thiên hạ không ai dung, gửi thân ở Đan, dù sao Đan cũng không thể nào vì bị nước Tần mạnh bức bách mà bỏ rơi người bạn đáng thương, đưa ông ta sang Hung Nô, như thế thì Đan chết mất.
  6. ^ Sử ký (bản dịch Phan Ngọc): Kinh Kha nói: Tôi muốn xin cái đầu của tướng quân để hiến vua Tần, vua Tần thế nào cũng mừng rỡ tiếp kiến tôi. Tôi tay trái nắm lấy tay áo nó, tay phải đâm vào bụng nó như thế thì trả được thù cho tướng quân lại rửa được cái nhục bị khinh rẻ của nước Yên. Tướng quân nghĩ như thế không?

Chú thích

  1. ^ Tư Mã Quang, Tư trị thông giám, Tần kỷ, quyển 6.
  2. ^ a b Tư Mã Thiên, Sử ký, quyển 86, Liệt truyện, Thích khách liệt truyện.
  3. ^ Tư Mã Thiên, Sử ký, quyển 6, Bản kỷ, Tần Thủy hoàng bản kỷ.
  4. ^ Phùng Mộng Long, Đông Chu liệt quốc chí, hồi 103, Lý quốc cữu tranh quyền giết Hoàng Yết, Phàn Ô Kỳ truyền lệnh đánh vua Tần.
  5. ^ Phùng Mộng Long, Đông Chu liệt quốc chí, hồi 104, Cam La còn bé làm quan lớn, Lao Ái gian dâm loạn cung Tần.
  6. ^ Phùng Mộng Long, Đông Chu liệt quốc chí, hồi 106, Vương Ngao phản gián giết Lý Mục, Điền Quang đâm cổ tiến Kinh Kha.
  7. ^ Phùng Mộng Long, Đông Chu liệt quốc chí, hồi 107, Dâng địa đồ, Kinh Kha náo Tần đình, Bàn binh pháp, Vương Tiễn thay Lý Tín.