Hornakht

Hornakht (Harnakht)
Đại tư tế của Amun
Nắp quách đá của Hornakht.
Đại tư tế của Amun
Thông tin chung
An tángNRT I, Tanis
Vương triềuVương triều thứ 22
Thân phụOsorkon II
Thân mẫuKaromama I

Hornakht (còn được viết là Hornakhte hoặc Harnakht), là một vương tử sống vào thời kỳ Vương triều thứ 22 trong lịch sử Ai Cập cổ đại.

Gia đình vương tộc

Hornakht là con trai của pharaon Osorkon II với vương hậu Karomama I[1]. Hornakht là em ruột của Đại tư tế của Ptah Shoshenq D và là anh em khác mẹ với Đại tư tế của Amun Nimlot C. Hornakht được vua cha Osorkon II phong làm Đại tư tế của Amun tại Tanis để củng cố quyền lực của vị vua này ở Hạ Ai Cập[1]. Tuy nhiên, Hornakht đã qua đời khi chỉ còn là một đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi[1][2].

Chôn cất

Hầm mộ NRT I, nơi chôn cất của pharaon Osorkon II và Hornakht.

Vua Osorkon II đã cho chôn cất đứa con trai chết yểu trong hầm mộ NRT I của mình tại Tanis[3]. Chôn cùng Hornakht là một chiếc rương bằng đá quartzit đựng 4 chiếc bình canopic bằng thạch cao[4].

Ngôi mộ NRT I đã bị trộm đột nhập và lấy đi phần lớn các báu vật được chôn cùng nhà vua. Do một khối đá granit lớn được đặt trên nắp quách của Hornakht, lũ trộm không thể nhấc được nắp quách lên hoàn toàn[5]. Vì vậy, khi nhà Ai Cập học Pierre Montet phát hiện ra nơi chôn cất Hornakht, nhiều loại bùa hộ mệnh bằng vàngđá quý được đặt trên phần thân dưới xác ướp của Hornakht vẫn còn nguyên; tuy nhiên, mặt nạ vàng và những món đồ trang sức trên cổ của Hornakht đều bị lấy đi[6].

Một bức tượng khối từ đền serapeum ở Saqqara có thể được dành riêng cho Hornakht[7]. Bức tượng được trang trí với phù điêu của vương hậu Karomama I, mẹ của Hornakht, cùng với hình ảnh các vị thần. Có lẽ bức tượng được tạc không lâu sau khi Hornakht qua đời[7].

Xác ướp

Theo kết quả phân tích khám nghiệm được thực hiện vào năm 1942 bởi tiến sĩ Douglas Derry, Hornakht chết khi mới khoảng 8 - 9 tuổi. Bộ xương của Hornakht có nhiều điểm bất thường, như có thêm một cặp xương sườn cổ và một đốt sống thắt lưng, nhưng Derry không cho rằng đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết sớm của vương tử này[8]. Một phần khuôn mặt của Hornakht đã bị hư hại bởi những người ướp xác trong quá trình loại bỏ não bằng đường mũi[8].

Tham khảo

  1. ^ a b c Stanley Arthur Cook; Martin Percival Charlesworth; John Bagnell Bury; John Bernard Bury (1924), The Cambridge Ancient History (quyển III), Nhà xuất bản Đại học Cambridge, tr.554 ISBN 978-0521224963
  2. ^ Nicolas Grimal (1992), A History of Ancient Egypt, Nhà xuất bản Blackwell, tr.325 ISBN 978-0631174721
  3. ^ Aidan Dodson (2012), Afterglow of Empire: Egypt from the Fall of the New Kingdom to the Saite Renaissance, Nhà xuất bản Đại học Oxford, tr.103 & 110 ISBN 978-9774165313
  4. ^ Aidan Dodson (2013), The Canopic Equipment Of The Kings of Egypt, Nhà xuất bản Routledge, tr.91 ISBN 978-1136158148
  5. ^ Georges Goyon (2004), La découverte des trésors de Tanis, Nhà xuất bản Pygmalion, tr.124-126 ISBN 978-2857049067
  6. ^ Henri Stierlin (1993), L’Or des Pharaons, Nhà xuất bản Terrail (Paris), tr.208-209 & 211 ISBN 978-2879390741
  7. ^ a b Helmut Brandl (2008), Untersuchungen zur steinernen Privatplastik der Dritten Zwischenzeit: Typologie, Ikonographie, Stilistik (tập 1), Nhà xuất bản MBV (Berlin), tr.243-245 ISBN 978-3866644823
  8. ^ a b Douglas E. Derry (1942), "Report on skeleton of King Amenemopet", Annales du Service des Antiquités de l'Égypte 41, tr.150