Giuse Phạm Văn Thiên

Giám mục
 
Giuse Phạm Văn Thiên
Giám mục chính tòa Tiên khởi
Giáo phận Phú Cường (1965–1993)
Giáo hộiCông giáo Rôma
Chức vụ chính yếu
Giám mục chính tòa Phú Cường
Giáo tỉnhGiáo tỉnh Sài Gòn
TòaGiáo phận Phú Cường
Bổ nhiệmNgày 14 tháng 10 năm 1965
Tựu nhiệmNgày 12 tháng 1 năm 1966
Hết nhiệmNgày 10 tháng 5 năm 1993
Tiền nhiệmTiên khởi
Kế nhiệmLouis Hà Kim Danh
Truyền chức
Thụ phongNgày 17 tháng 3 năm 1934
Tấn phongNgày 6 tháng 1 năm 1966
Thông tin cá nhân
SinhNgày 2 tháng 5 năm 1907
Đất Đỏ, Bà RịaVũng Tàu, Việt Nam
MấtNgày 15 tháng 2 năm 1997 (90 tuổi)
Bình Dương, Việt Nam
Khẩu hiệu"Ơn Chúa ở cùng tôi"
Cách xưng hô với
Giuse Phạm Văn Thiên
Danh hiệuĐức Giám mục
Trang trọngĐức Giám mục, Đức Cha
Thân mậtCha
Khẩu hiệuGratia Dei mecum
TòaGiáo phận Phú Cường

Giuse Phạm Văn Thiên (1907–1997) là một giám mục của Giáo hội Công giáo người Việt Nam. Ông là Giám mục tiên khởi của Giáo phận Phú Cường. Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, ông từng đảm nhận chức Chủ tịch Uỷ ban Phụng vụ và Thánh Nhạc (1968–1971), Uỷ ban Phụng vụ và Thông tin (1971–1974) và Uỷ ban Phụng vụ (1974–1977). Khẩu hiệu giám mục của ông là "Ơn Chúa ở cùng tôi".[1]

Phạm Văn Thiên sinh tại tỉnh Phước Tuy, thuở thiếu thời đã đi theo con đường tu trì bằng việc theo học và tốt nghiệp Tiểu chủng viện và Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Thời kỳ là linh mục, ông được bổ nhiệm quản lý và hỗ trợ quản lý nhiều họ đạo thuộc Địa phận Sài Gòn rộng lớn lúc bấy giờ, ví dụ như họ đạo Bà Rịa, họ đạo Chí Hoa, họ đạo Vũng Tàu. Ông cũng từng giữ chức Giám đốc Nhà hưu dưỡng linh mục Địa phận Sài Gòn, linh mục Tổng Đại diện Địa phận và chính xứ Nhà thờ Sài Gòn (sau là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn). Ông cũng là Giám đốc người Việt Nam đầu tiên của Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.

Với việc thành lập tân giáo phận Phú Cường, Giáo hoàng chọn linh mục Phạm Văn Thiên giữ chức Giám mục chính toà giáo phận này vào giữa tháng 10 năm 1965. Ông được tấn phong chức giám mục vào đầu năm 1966, và bắt tay vào việc xây dựng các cơ sở vật chất đầu tiên của giáo phận Phú Cường. Thời kỳ trước năm 1975, giáo phận gặp nhiều khó khăn vì nằm trong vùng chiến sự ác liệt. Với tư cách Chủ tịch Uỷ ban Phụng vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Thiên đã cho biên dịch nhiều đầu sách phụng tự Công giáo, phát hành từ năm 1969.

Giám mục Thiên hồi hưu năm 1993, và từ trần vào tháng 2 năm 1997.

Thân thế và thời kỳ linh mục

Giuse Phạm Văn Thiên sinh ngày 2 tháng 5 năm 1907,[1] tại Thanh Mỹ, theo nguồn tin từ trang tin Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu.[2] Nguồn tin từ sách Thoáng Nhìn Giáo hội Công giáo Việt Nam của Trần Anh Dũng, Giám mục Thiên sinh tại vùng Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.[3] Năm sinh của ông cũng không đồng nhất qua các nguồn, vì theo thông tin từ Giáo phận Phú Cường, ông sinh vào năm 1906.[4][5] Năm 1918, ông vào Tiểu chủng viện Sài Gòn và nhập đại chủng viện năm 1927.

Chủng sinh Thiên theo học Triết học và Thần học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.[3] Ngày 17 tháng 3 năm 1934, chủng sinh Thiên được thụ phong linh mục.[1] Sau khi được thụ phong chức linh mục, tân linh mục Thiên được bổ nhiệm làm linh mục phó các giáo họ Cái Mơn, Giồng Giá, An Hóa Tây, Bảo Thuận và Bảo Thạnh.[3]

Ngày 17 tháng 7 năm 1935, linh mục Thiên được bổ nhiệm giữ vai trò Giáo sư Tiểu chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Năm 1947, ông được chọn làm linh mục chính sở họ đạo Bà Rịa và chỉ sau một năm được chọn làm linh mục chính sở nhà thờ Chí Hòa kiêm chức Giám đốc Nhà hưu dưỡng linh mục Chí Hòa.[3] Với tư cách linh mục Chí Hòa, linh mục Thiên đã thiết lập giáo họ Hòa Hưng và năm 1949, đã cho xây cất nhà thờ giáo họ này bằng vật liệu nhẹ. Năm 1952, giáo họ này được nâng cấp thành giáo xứ.[6] Năm 1956, linh mục Phạm Văn Thiên được bổ nhiệm giữ chức linh mục chính sở Vũng Tàu. Ngày 31 tháng 8 năm 1956, linh mục Thiên được đề cử làm Cha Bề Trên (nay gọi là Tổng Đại diện) cho Địa phận Sài Gòn.[3] Từ năm 1957 đến năm 1960, ông làm Chánh xứ Nhà thờ chính tòa Sài Gòn.

Với tư cách chính xứ Nhà thờ, linh mục Thiên đã đặt một bức tượng miêu tả hình ảnh "Đức Mẹ Hòa Bình" với chất liệu đá cẩm thạch trắng Carrara, trong hoàn cảnh đi dự Đại hội Thánh Mẫu tại Vatican.[7][8] Với việc có tượng Đức Bà Hòa Bình, Nhà thờ Sài Gòn, hay còn gọi là nhà thờ Nhà nước có tên gọi là Nhà thờ Đức Bà, và quảng trường nơi đặt bức tượng được gọi là quảng trường Đức Bà Hòa Bình. Danh sách những người hỗ trợ cho dự án xây dựng và vận chuyển bức tượng được chép vào một tờ giấy đặt vào ống chai, và linh mục Thiên đã chôn ống chai này dưới chân tượng.[7] Linh mục Thiên đã cho dựng tượng vào ngày 16 tháng 2 năm 1959, và một ngày sau, Hồng y Krikor Bedros XV Aghagianian, nhân dịp tham dự Đại hội Thánh Mẫu, đã chủ sự nghi lễ thánh hiến bức tượng này.[9]

Giữa tháng 6 năm 1960, Giám mục Nguyễn Văn Bình và Tađêô Lê Hữu Từ đã trao quyền Giám đốc Đại chủng viện Miền Sài Gòn (Đại chủng viện Lê Bảo Tịnh) cho linh mục Giuse Phạm Văn Thiên.[10] Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Tòa Thánh thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Vào tháng 7 năm 1961, Tổng Giám mục Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình đã bổ nhiệm ông làm Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, và ông trở thành Giám đốc người Việt Nam đầu tiên của Đại chủng viện.[11][12] Theo một nguồn tin khác, Tổng giám mục Bình đã đề nghị chức Giám đốc Đại chủng viện cho linh mục Thiên vào năm 1960, và ngoài chức vụ này, linh mục Thiên còn kiêm chức Linh giám Senatus Sài Gòn và Linh giám Đạo binh Đức Mẹ cấp quốc gia.[3]

Giám mục

Bổ nhiệm và tấn phong

Với tình hình Tổng giáo phận Sài Gòn phát triển mạnh, Giáo phận Phú Cường được Giáo hoàng Phaolô VI cho thành lập, qua tông sắc In animo nostro (Trong Lòng Ta) vào ngày 14 thá[ng 10 năm 1965.[4] Tân giáo phận có lãnh thổ gồm 5 tỉnh phía bắc Đô thành Sài Gòn, gồm Tây Ninh, Phước Thành, Bình Long, Bình Dương, Hậu Nghĩa.[13] Sau khi vấn ý Thánh bộ Truyền giáo và Tổng giám mục Khâm sứ Tòa Thánh Angelo Palmas, Giáo hoàng chọn linh mục Phạm Văn Thiên giữ chức Giám mục chính tòa tân giáo phận Phú Cường. Số liệu được thu thập sau ngày thành lập một năm cho kết quả Giáo phận tân lập Phú Cường có trên 51.000 giáo dân, chiếm 7,2% cư dân trên địa bàn, với 6 giáo hạt, 106 nhà thờ, 36 họ đạo có linh mục và tổng số 43 linh mục.[4] Cùng bổ nhiệm trong ngày, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam còn có hai tân giám mục khác: Giuse Lê Văn Ấn, giám mục Giáo phận Xuân LộcPhanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm, giám mục phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn.[14]

Lễ tấn phong Giám mục cho Giám mục Tân cử Phạm Văn Thiên được tổ chức vào ngày 6 tháng 1 năm 1966 tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn do Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chủ phong cùng với hai Giám mục phụ phong là Gioan Cassaigne SanhSimon Hòa Nguyễn Văn Hiền. Giám mục Tân cử Phạm Văn Thiên chính thức nhận Giáo phận Phú Cường ngày 12 tháng 1 năm 1966, và chọn nhà thờ giáo họ Thủ Dầu Một làm nhà thờ chính tòa Phú Cường.[3] Tân giám mục cũng bổ nhiệm linh mục Antôn Phùng Thành làm chính xứ Nhà thờ chính tòa, kiêm Quản lý Giáo phận.[15]

Mục vụ trước năm 1975

Giám mục Phạm Văn Thiên là người đã có nhiều công lao trong việc xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của Giáo phận Phú Cường. Năm 1967, ông cho xây dựng Tiểu Chủng viện ở Gò Cầy, lập Trung tâm Bác Ái ở Lái Thiêu; năm 1968, xây dựng trường Thánh Giuse. Trước khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, ông tiếp nhận dòng Con Đức Mẹ từ Campuchia về định cư tại Phú Cường vào năm 1970, xây dựng Tòa Giám mục Phú Cường vào năm 1970 và xây dựng Tu viện Lời Chúa nhằm mục đích truyền giáo vào năm 1974.[16] Giám mục Thiên cũng là người cho ban hành Quy chế Hội đồng Giáo xứ vào trung tuần tháng 10 năm 1971.[17] Về mặt đời sống tinh thần, Giám mục Thiên cho sinh hoạt giáo phận theo tinh thần Công đồng Vatican II.[5]

Với tư cách Chủ tịch Uỷ ban Phụng Vụ trực thuộc Hội đồng Giám mục, Giám mục Phạm Văn Thiên đã cho tiến hành dịch các sách phụng tự Công giáo sang tiếng Việt và xuất bản các đầu sách, kể từ năm 1969.[17] Ông cũng là tác giả của cuốn sách có tính chất suy niệm "Từ Thánh Thể đến Chúa Ba Ngôi."[1] Đầu năm 1970, linh mục Tổng Đại diện Giacôbê Huỳnh Văn Của thiết lập trung tâm Bác Aí Lái Thiêu, do đó Giám mục Thiên điều chuyển linh mục Trần Minh Khang làm linh mục chính xứ Lái Thiêu, thay linh mục Của. Với sự đồng ý của Giám mục Thiên, linh mục Khang đã mua lại một rạp hát để xây thành nhà nguyện Tân Thới (sau đó là nhà thờ Tân Thới).[18]

Năm 1972, với vai trò giám mục, Giám mục Phạm Văn Thiên bổ nhiệm linh mục Antôn Maria Phan Sĩ Nguyên làm Giám đốc Đệ tử Viện Truyền giáo (Tu viện Lời Chúa) thuộc phường Phú Thọ Hòa (Bình Dương).[19] Ngày 28 tháng 6 năm 1992, ông đã phê chuẩn bản tường trình "Tu hội Tâm hồn Sống Thánh Thể" và cho phép thử nghiệm.[20] Ông đã được bổ nhiệm làm thành viên Thánh bộ Nghi Thức thuộc Giáo triều Rôma ngày 6 tháng 8 năm 1968.[21]

Giám mục Phạm Văn Thiên giữ chức Chủ tịch các Uỷ ban trong cả ba khóa Hội đồng Giám mục Việt Nam, từ năm 1964 đến năm 1974. Ông là Chủ tịch Uỷ ban Phụng vụ và Thánh Nhạc (nhiệm kỳ 1968–1971),[22] Uỷ ban Phụng vụ và Thông tin (nhiệm kỳ 1971–1974)[23] và Uỷ ban Phụng vụ (nhiệm kỳ 1974–1977).[24]

Ngoài một số ít giáo xứ có lịch sử lâu đời, phần lớn giáo xứ thuộc giáo phận Phú Cường được thành lập trong giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1975, với thành phần giáo dân là người miền Bắc Việt Nam di cư đến. Bốn Đại hội Truyền giáo đã được Giám mục Thiên cho tổ chức vào bốn năm, từ năm 1971 đến năm 1974, và có 12 giáo điểm mới được hình thành.[25] Giáo phận Phú Cường từ khi chính thức được tách ra khỏi Tổng giáo phận Sài Gòn cho đến năm 1975 đối mặt tình trạng xáo trộn do chiến sự ác liệt, vì nằm trong các vùng chiến khu trọng điểm.[4] Nhiều giáo xứ và giáo họ bị xóa sổ, trong khi số lượng giáo dân giảm dần. Thống kê năm 1974 cho thấy Phú Cường có trên 54.000 giáo dân, sinh hoạt tôn giáo trong 49 giáo xứ giáo họ. Về nhân sự, tu sĩ giáo phận có 35 nam tu và 171 nữ tu; trong khi có 58 linh mục và 30 đại chủng sinh. Giáo phận Phú Cường cũng có 50 trường trung tiểu học và 13 cơ sở từ thiện.[16]

Mục vụ sau năm 1975

Sau năm 1975, ông yêu cầu các linh mục thu ngắn các giờ sinh hoạt tôn giáo để phù hợp với lịch lao động [của giáo dân].[1] Năm 1976, Giáo phận Phú Cường có tân giám mục phó Giacôbê Huỳnh Văn Của (bổ nhiệm ngày 22 tháng 2)[26] và ông hồi hưu năm 1979 do tình hình bệnh tật. Tân giám mục phó Louis Hà Kim Danh được tấn phong vào tháng 6 năm 1982.[16][27] Giám mục Thiên đến thăm Rôma và gặp giáo hoàng lần đầu tiên trong khuôn khổ chuyến thăm Ad Limina vào năm 1980. Trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1990, các sinh hoạt Công giáo tại Phú Cường chủ yếu là duy trì các sinh hoạt tại các giáo điểm và giáo họ đã có sẵn trước đó.[25]

Giám mục Phạm Văn Thiên đã từng gửi thư cho Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, trong thư đề nghị ủy ban đổi tên vì các cụm từ "đoàn kết" và "yêu nước" (giai đoạn năm 1983 đến 1990, Uỷ ban có tên gọi Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước Việt Nam)[28] gây hiểu lầm. Giám mục Thiên cũng cho rằng ủy ban chưa nói lên được nguyện vọng của người Công giáo cho chính quyền cũng như chưa bênh vực được quyền lợi về mặt tinh thần cho tín hữu Công giáo.[29]

Giám mục Thiên được chính thức nghỉ hưu ngày 10 tháng 5 năm 1993. Kế vị ông là Giám mục Hà Kim Danh, sau đó cũng sớm qua đời vào năm 1995.[30] Giám mục Thiên qua đời ngày 15 tháng 2 năm 1997.[31] Giáo phận Phú Cường, sau cái chết của Giám mục Danh, trống tòa cho đến năm 1998.[16][5] Ông được an táng ngày 19 tháng 2, tại Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức.[25]

Giám mục Phạm Văn Thiên được nhớ đến là một người ít nói, nhưng có nếp sống kỷ luật, đúng giờ và biết phòng xa.[1]

Tông truyền

Giám mục Giuse Phạm Văn Thiên được tấn phong giám mục năm 1966, thời Giáo hoàng Phaolô VI, bởi:[32]

Dưới đây là sơ đồ tính Tông truyền từ giám mục Việt Nam đầu tiên được giám mục ngoại quốc chủ phong cho đến đời Giám mục Phạm Văn Thiên.[32]

Tông truyền, từ thời Giáo sĩ Việt Nam
Antonin-Fernand Drapier
(1929)
Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục
(1938)
Phụ phong:
Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền
(1955)
Chủ phong:
Phaolô Nguyễn Văn Bình
(1955)
Phụ phong:
Jean Cassaigne Sanh
(1941)
Giuse Phạm Văn Thiên
(1966)

Giám mục Giuse Phạm Văn Thiên đóng vai trò chủ phong trong nghi thức truyền chức giám mục:[32]

Giám mục Giuse Phạm Văn Thiên đóng vai trò phụ phong trong nghi thức truyền chức cho giám mục:[32]

Tóm tắt chức vụ

Danh hiệu Công giáo
Tiền nhiệm:
Tiên khởi
Giám mục chính tòa
Giáo phận Phú Cường

1965–1993
Kế nhiệm:
Louis Hà Kim Danh
Tiền nhiệm:
Tiên khởi
Chủ tịch Uỷ ban Phụng vụ và Thánh Nhạc
Hội đồng Giám mục Việt Nam

1968–1971
Kế nhiệm:
Chức vụ bị hủy bỏ
Tiền nhiệm:
Tiên khởi
Chủ tịch Phụng vụ và Thông tin
Hội đồng Giám mục Việt Nam

1971–1974
Kế nhiệm:
Chức vụ bị hủy bỏ
Tiền nhiệm:
Tiên khởi
Chủ tịch Uỷ ban Phụng vụ
Hội đồng Giám mục Việt Nam

1974–1977
Kế nhiệm:
Chức vụ bị hủy bỏ

Ghi chú

  1. ^ a b c d e f “CHÂN DUNG LINH MỤC VIỆT NAM: ĐỨC CHA GIUSE PHẠM VĂN THIÊN”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. ngày 5 tháng 11 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2024.
  2. ^ “Ðức Cha Giuse Phạm Văn Thiên Nguyên Giám Mục Giáo Phận Phú Cường”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2024.
  3. ^ a b c d e f g Trần Anh Dũng 2009, tr. 472
  4. ^ a b c d Lm. VŨ XUÂN HẠNH, trích Bản Tin Công giáo Việt Nam (ngày 14 tháng 1 năm 2006). “GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG – 40 NĂM THÀNH LẬP”. Simin Hòa Đà Lạt (Giáo phận Đà Lạt). Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2014.
  5. ^ a b c Phú Cường (ngày 2 tháng 12 năm 2017). “GP PHÚ CƯỜNG”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  6. ^ PV (ngày 2 tháng 1 năm 2010). “Giáo xứ Hòa Hưng: mừng lễ bổn mạng Mẹ Thiên Chúa”. Tổng giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  7. ^ a b Vũ Phượng; Độc Lập (ngày 9 tháng 4 năm 2023). “Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được đặt tên từ bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình”. báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  8. ^ Trần Nhật Vy (ngày 24 tháng 10 năm 2015). “Tên gọi nhà thờ Đức Bà từ bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình”. Báo Tuổi trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  9. ^ “135 năm Nhà thờ Đức Bà: Kiến trúc kiệt tác của đô thị Sài Gòn”. Báo Lào Cai. ngày 23 tháng 6 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024 – qua VOA.
  10. ^ Minh Tâm (ngày 21 tháng 3 năm 2012). “Lịch sử Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài gòn”. VietCatholic News. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  11. ^ Chiến Sơn, Chức-Hân (ngày 22 tháng 3 năm 2013). “Đại chủng viện Thánh Giuse SG: 150 năm nhìn lại”. Tổng giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2024.
  12. ^ “Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn”. Tổng giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. ngày 8 tháng 12 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  13. ^ “MỪNG KIM KHÁNH GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG (1965-2015)”. Giáo phận Phú Cường. ngày 15 tháng 1 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  14. ^ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh 1966, tr. 918, 919
  15. ^ “Chánh Toà Phú Cường”. Giáo phận Phú Cường. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  16. ^ a b c d “Đôi nét tiểu sử giáo phận Phú Cường”. Giáo phận Phú Cường. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2024.
  17. ^ a b Trần Anh Dũng 2009, tr. 473
  18. ^ “Phú Long”. Giáo phận Phú Cường. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  19. ^ “Giáo xứ Bà Lụa, Giáo phận Phú Cường”. Giáo phận Phú Cường. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2024.
  20. ^ “Giới thiệu Tu Hội Sống Thánh Thể”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2024.
  21. ^ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh 1968, tr. 235
  22. ^ Trần Anh Dũng 2009, tr. 281
  23. ^ Trần Anh Dũng 2009, tr. 286
  24. ^ “Tỏa sáng ngọc quý Nước Trời – Những bước thăng trầm Giáo hội Việt Nam 60 năm”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bản gốc lưu trữ Ngày 18 tháng 3 năm 2021. Truy cập Ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  25. ^ a b c Trần Anh Dũng 2009, tr. 474
  26. ^ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh 1976, tr. 356
  27. ^ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh 1983, tr. 173
  28. ^ Văn Huỳnh (ngày 13 tháng 3 năm 2015). “Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam”. báo Nam Định. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  29. ^ GS. Hà Thành (ngày 8 tháng 3 năm 2008). “Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết? - Thái độ của Giáo hội Công giáo với UBĐK”. VietCatholic News. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  30. ^ “Diocese of Phú Cuong, Vietnam” [Giáo phận Phú Cường, Việt Nam] (bằng tiếng Anh). GCatholic. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024.
  31. ^ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh 1997, tr. 208
  32. ^ a b c d “Bishop Joseph Phạm Văn Thiên † Bishop Emeritus of Phú Cường, Viet Nam” [Giám mục Giuse Phạm Văn Thiên † Giám mục Danh dự của Phú Cường, Việt Nam] (bằng tiếng Anh). Catholic Hierarchy. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2024.
  33. ^ Văn phòng Tòa Giám mục Gp. Mỹ Tho (ngày 8 tháng 8 năm 2020). “60 năm GP Mỹ Tho: Bài 3. Các vị Chủ Chăn đáng kính: Đức Cha Anrê”. Giáo phận Mỹ Tho. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2024.

Tài liệu tham khảo

  • Văn phòng Báo chí Tòa Thánh (1966), Acta Apostolicae Sedis 1966 (PDF), Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 3 tháng 1 năm 2023, truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024
  • Văn phòng Báo chí Tòa Thánh (1968), Acta Apostolicae Sedis 1968 (PDF), Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 13 tháng 7 năm 2020, truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2020
  • Văn phòng Báo chí Tòa Thánh (1976), Acta Apostolicae Sedis 1976 (PDF), Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 10 năm 2022, truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024
  • Văn phòng Báo chí Tòa Thánh (1983), Acta Apostolicae Sedis 1983 (PDF), Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 31 tháng 5 năm 2020, truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024
  • Văn phòng Báo chí Tòa Thánh (1997), Acta Apostolicae Sedis 1997 (PDF), Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2020, truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2024
  • Trần Anh Dũng (2009), Thoáng Nhìn Giáo hội Công giáo Việt Nam (1533-2010), Đắc Lộ Tùng Thư, Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 5 năm 2024, truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2024

Tham khảo

  • Giám mục Giuse Phạm Văn Thiên
  • x
  • t
  • s
Thập niên 1930
Thập niên 1940
Thập niên 1950
Thập niên 1960
Thập niên 1970
Thập niên 1980
Thập niên 1990
Thập niên 2000
Thập niên 2010
Thập niên 2020
#: thông tin chưa chắc chắn